Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội, nội dung dự thảo sửa đổi luật doanh nghiệp có nêu việc bổ sung hộ kinh doanh cá thể vào luật doanh nghiệp.
Với quy mô kinh tế hộ gia đình chiếm hơn 30% GDP của cả nước, lần đầu tiên đã đưa vào dự thảo sửa đổi Luật doanh nghiệp nhưng có nhiều ý kiến trái chiều về việc này.
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh:
Tôi thấy hiện dự thảo luật chưa tiến hành điều tra trước, thu thập dữ liệu, phân tích, đánh giá tác động để xem ra luật thì có khả thi không.Trước hết, chúng ta phải xem xét trình độ phát triển của các hộ kinh doanh đó thế nào. Những chủ hộ kinh doanh đã sẵn sàng thực hiện việc đăng ký hay chưa? Những bà bán bún ốc, cháo, bánh giò, giò chả,… ngoài vỉa hè có muốn đăng ký không và có khả năng đăng ký hay không? Họ có đăng ký thương hiệu của họ như doanh nghiệp hay không?
Các nước đều chấp nhận hình thức kinh doanh này phù hợp với trình độ phát triển của xã hội đó. Đối với kinh tế hộ, họ vẫn chấp nhận ở mức độ linh hoạt nhất định.
Ở Việt Nam, trừ đi các hộ nông nghiệp có trên 3 triệu hộ kinh doanh, trong số đó có rất nhiều hộ ở vùng sâu, vùng xa. Liệu chính quyền cấp tỉnh, cấp quận huyện có đủ năng lực để cấp giấy phép, hay kiểm soát hết được 3 triệu hộ này không? Đó là chưa nói đến việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, tôn trọng luật sở hữu trí tuệ,…
Tôi cho rằng, chi phí tuân thủ của việc đưa kinh tế hộ vào Luật Doanh nghiệp chưa được tính toán đầy đủ. Vì vậy, tôi mong rằng Quốc hội nên thảo luận kĩ lưỡng hơn. Hiện nay chưa phải là thời điểm chín muồi để đưa tất cả các hộ kinh doanh gia đình vào Luật Doanh nghiệp vì như vậy vừa vượt quá trình độ của cơ quan quản lí cũng như của hộ kinh doanh.
Theo tôi, hình thức kinh doanh này phản ảnh trình độ phát triển của chúng ta. Nhà nước nên tìm động lực để khuyến khích họ phát triển đồng thời hỗ trợ như đào tạo lao động, tiếp cận tín dụng…chứ đừng dùng hành chính để ép hộ kinh doanh thành doanh nghiệp.